Giải pháp thúc đẩy giáo dục mở thời 4.0

Giáo dục

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin với cuộc Cách mạng 4.0, giáo dục mở đang là xu hướng tất yếu của giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình áp dụng giáo dục mở vào hệ thống giáo dục Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn và trở ngại. Bài viết dưới đây xin trình bày một số giải pháp thúc đẩy giáo dục mở Việt Nam thời 4.0

Tình hình triển khai giáo dục mở tại Việt Nam

Theo những chuyên gia giáo dục, giáo dục mở đã tồn tại ở Việt Nam khá lâu.  Nhiều mô hình giáo dục mở tồn tại trên thế giới đã được thử nghiệm áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay giáo dục mở của Việt Nam vẫn chỉ làm được một việc duy nhất là cung cấp những chương trình đào tạo đến với người học ở xa và không đòi hỏi phải thi đầu vào .

Đặc biệt, giáo dục mở tại Việt Nam luôn đóng vai trò thứ yếu so với hình thức giáo dục truyền thống. Thực tế, giáo dục mở vẫn chưa được nhìn nhận như một thành phần cần thiết, là bước đột phá quan trọng trong giáo dục, như ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, trong đó nguyên nhân là tâm lý của toàn xã hội cho rằng điều gì dễ dàng đều có giá trị thấp, và giáo dục có chất lượng phải là giáo dục ưu tú với những kỳ thi tuyển gắt gao. Bên cạnh đó cũng là sự thiếu đầu tư của Nhà nước và đặc biệt là sự chậm đổi mới của tư duy quản lý giáo dục tại Việt Nam

Một số giải pháp phát triển tài nguyên giáo dục mở

Đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục

Việt Nam cần hoàn  thiện thể chế quản lý nhà nước về giáo dục trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính giáo dục. Thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục, thực hiện quản lý theo pháp quyền trên cơ sở một hệ thống pháp luật giáo dục đồng bộ với sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương và triệt để phân cấp quản lý giáo dục. Đồng thời tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt là những cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giáo dục, dịch chuyển quản lý nhà nước về giáo dục nặng về hành chính sang quản lý chất lượng và từ quản lý nhà nước theo cách kiểm soát sang giám sát mọi hoạt động giáo dục. Kết hợp với việc nâng cao vai trò những tổ chức xã hội nghề nghiệp giáo dục như Hội Giáo chức, Hội Khuyến học, liên hiệp hội các trường ngoài công lập… trong phát triển giáo dục.

Hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, hiện đại và liên thông

Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế- xã hội ,trong đó đặc biệt coi trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao ở tất cả các cấp trình độ.

Cần triển khai một hệ thống giáo dục đa dạng về phương thức học tập, đảm bảo tiêu chí  ai cũng được học theo nguyện vọng của chính mình và được học suốt đời trong xã hội học tập, thiết lập một hệ thống giáo dục được chuẩn hóa với tiêu chí dân tộc, tiên tiến, hiện đại, đảm bảo sự liên thông trong và ngoài nước trên cơ sở chuẩn hóa với các yếu tố đảm bảo chất lượng trong từng cấp học và trình độ đào tạo.

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

Theo những chuyên gia giáo dục, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là động lực, là nhân tố đảm bảo cho lợi thế giáo dục nước ta phát triển và cạnh tranh được với những nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Đây được coi chìa khóa, là nhân tố trung tâm cho sự nghiệp giáo dục phát triển.

Chính vì thế việ xây dựng, đào tạo cũng như bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong toàn ngành là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài vì sự nghiệp giáo dục nước ta luôn phát triển đặt ra yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao về trình độ, chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo và năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục.

 

 

 

 

Rate this post