Theo những chuyên gia, sự thiếu hụt về kiến thức giới tính và kỹ năng sống là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số lượng mang thai ở tuổi vị thành niên ngày càng tăng cao. Vấn đề giáo dục giới tính trong nhà trường đang là vấn đề cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Xâm hại tình dục trẻ em- những con số đáng báo động
Những số liệu thống kê mới nhất về xâm hại tình dục được công bố cho thấy chỉ trong vòng 5 năm (từ 2011-2015), trên cả nước có tới 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em trong số 8.200 vụ xâm hại trẻ nói chung. Năm 2011, lực lượng chức năng bắt hơn 1.000 đối tượng, đến năm 2015, số đối tượng tăng lên hơn 1.400 đối tượng.
Thống kê cũng chỉ ra rằng, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước với rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Có trường hợp do sự lơ là của người lớn, tuy nhiên cũng có trường hợp các em bị xâm hại ở những nơi ít ngờ đến nhất. Ngiêm trọng hơn, có nhiều trẻ em bị xâm hại ngay trong trường học hoặc ở tại nhà cô giáo của mình.
Tại buổi toạ đàm về quấy rối, xâm hại tình dục trẻ em và bạo lực học đường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới –gia đình- phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), bà Nguyễn Vân Anh – cho biết: Những số liệu về bạo lực và lạm dụng tình dục tại Việt Nam và một số nước châu Á vẫn còn ít, thế nhưng những bằng chứng hiện tại cho thấy tình trạng bạo lực và lạm dụng tình dục tại trường học rấ đáng báo động. Những tổn thương về thể xác, tinh thần, mất niềm tin vào cuộc sống, thậm chí báo động về tình trạng nạo, phá thai trong lứa tuổi thanh thiếu niên là những vấn đề đáng lo ngại.
Giáo dục giới tính trong trường phổ thông chưa được quan tâm
Tại Việt Nam, trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh tuổi học đường được tiếp cận với giáo dục giới tính lần đầu tại bài giới thiệu về cơ thể người môn Sinh vật lớp 8 ,tức là khi các em khoảng 15 – 16 tuổi. Thế nhưng, với sự phát triển hiện nay, tình trạng học sinh dậy thì sớm từ 12 – 14 tuổi đang diễn ra khá phổ biến.
Trong khi đó, tại những quốc gia phát triển như Mỹ, Hà Lan, Pháp… giáo dục giới tính được đưa vào giảng dạy từ rất sớm. Ngay từ cấp 1, học sinh đã quen thuộc với môn giáo dục giới tính như một môn học chính thức, quan trọng không kém những môn văn hóa. Nguyệt san, vỡ giọng, “rừng rậm” xuất hiện, những “giấc mộng ẩm ướt”… đều được lý giải một cách tường tận từ nguyên nhân, đến những trục trặc có thể xảy ra.
Từ thực tế trên, đã đến lúc chúng ta không thể “lờ đi” hay “lo sợ” những kiến thức về giới tính trong trường học sẽ “vẽ đường cho các em chạy” mà giáo dục là cần thiết. Không chỉ giáo dục trong nhà trường, cha mẹ, gia đình cũng nên cởi mở hơn về vấn đề việc truyền đạt những kiến thức về giới tính cho học sinh. Khi học sinh hiểu được về cơ thể mình, các em sẽ biết cách phòng tránh những xâm hại, cũng có thể bảo vệ được mình khỏi những cám dỗ, cạm bẫy ngoài xã hội. Thực tế thì ngay cả trong trường học, hành vi trêu đùa, chọc ghẹo với những lời nói tục tĩu cũng là một hình thức xâm hại. Bên cạnh đó, những nhà giáo dục cũng cần phải xây dựng chương trình giáo dục giới tính phù hợp với từng giai đoạn, từng lứa tuổi với học sinh để các em được sớm tiếp cận và bảo vệ chính mình.